Ngoại thương Thương_mại_Việt_Nam_thời_Mạc

Với chính sách kinh tế cởi mở, nhà Mạc chủ trương không "ức thương" hay "bế quan tỏa cảng" như nhà Hậu Lê. Điều đó khiến ngoại thương nước Đại Việt có những bước chuyển biến tích cực.[4]

Chủ trương cấm tư thương kinh doanh gốm sứ của nhà MinhTrung Quốc trong gần 2 thế kỷ (1371 – 1567) là cơ hội thuận lợi cho gốm sứ Đại Việt mở rộng thị trường tới vùng Đông Nam Á mà không gặp phải nhiều sự cạnh tranh.[4] Các làng gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng, Chu Đậu, Hợp Lễ và một số trung tâm khác như Nam Sách, Bình Giang, Chí Linh (Hải Dương) ngoài việc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và đồ cống phẩm còn có số lượng lớn để xuất khẩu.

Trung tâm gốm Bát Tràng được thuận lợi nằm giữa kinh kỳ Thăng Long và phố Hiến, dọc sông Hồng - đường thủy nối hai đô thị này với cửa ngõ thông thương ra thế giới bên ngoài.

Đồ gốm sứ Chu Đậu từ nơi sản xuất ngược sông Thái Bình đến Nấu Khê, xuôi theo sông Kinh Thầy ra cảng Vân Đồn hoặc xuôi sông Thái Bình sang sông Luộc đến phố Hiến. Từ phố Hiến, đồ gốm Chu Đậu theo thuyền buôn sang Trung Quốc và Nhật Bản hay các nước phương Tây.

Vùng gốm Hợp Lễ nằm trên hệ thống sông Đò Đáy - Kẻ Sặt, cũng là một tuyến đường thủy quan trọng đi ra nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á.

Nhà nghiên cứu Nhật Bản Hasebe Gakuji cho rằng: Sự có mặt của đồ gốm Đại Việt ở Nhật Bản có ảnh hưởng lớn đến một số lò gốm của quốc gia này, tạo ra phong cách mô phỏng theo gốm Việt Nam mà người Nhật gọi là gốm Kochi (Giao Chỉ) như lò gốm Onuke ở Seto.[5]

Kết quả khai quật tháng 2 năm 1990 ở các quần đảo Đông Nam Á cho thấy, có gốm cổ Đại Việt gồm bát, đĩa, chậu cảnh, hũ nhỏ, bình nước, gốm da lươn... thuộc niên đại thời kỳ này đã đến Malaysia, Brunei, Philippines, Indonesia. Các nhà nghiên cứu khẳng định đây là những bằng chứng về việc thông thương mạnh mẽ giữa nhà Mạc với các quốc gia xung quanh.[6]